Phan biet nuoc sach va nuoc hop ve sinh, cac benh lien quan den nuoc
Phân biệt nước sạch và nước hợp vệ sinh, các bệnh liên quan đến nước

Phân biệt nước sạch và nước hợp vệ sinh, các bệnh liên quan đến nước

Theo báo cáo “Điều tra chất lượng nước sinh hoạt nông thôn” của Cục Y tế Dự phòng Việt Nam (2006) thì tỷ lệ mẫu nước đạt tiêu chuẩn vệ sinh cả vi sinh và hóa lý theo Quyết định 09/2005/BYT/QĐ (hiện nay đã thay thế bằng QCVN 02:2009 ban hành kèm theo TT 04/2009/TT-BYT) của tất cả các nguồn nước là rất thấp 15.5% trong đó có 56.5% số mẫu đạt tiêu chuẩn hóa lý và 29% mẫu nước đạt tiêu chuẩn vi sinh.

Nước máy

Là nguồn nước có tỷ lệ mẫu nước đạt tiêu chuẩn vệ sinh cao nhất nhưng cũng chỉ ở mức 65.2%. Giếng khơi là nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng nhất, với chỉ 7.3% số mẫu điều tra đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Các nguồn nước khác như nước mưa, nước mặt và nước giếng khoan cũng bị ô nhiễm chỉ có 27.3%, 13.8% và 7.7% số mẫu đạt tiêu chuẩn vệ sinh.

Nước sạch có thể được định nghĩa là nguồn nước: trong, không màu, không mùi, không vị, không chứa các độc chất và vi khuẩn gây bệnh cho con người. Nước sạch theo quy chuẩn quốc gia là nước đáp ứng các chỉ tiêu theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt – QCVN 02:2009/BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 17/6/2009.

Phan biet nuoc sach va nuoc hop ve sinh, cac benh lien quan den nuoc

Nước hợp vệ sinh

Là nước không màu, không mùi, không vị, không chứa các thành phần có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, có thể dùng để ăn uống sau khi đun sôi.

Như vậy nước sạch có chất lượng cao hơn nước hợp vệ sinh. Nước sạch là một nhu cầu cơ bản trong cuộc sống hằng ngày của mọi người và đang đòi hỏi bức bách trong việc bảo vệ sức khỏe và cải thiện sinh hoạt cho người dân. Theo báo cáo kết quả thực hiện chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn của TT NSH&VSMT NT Quảng
Ninh thì tính đến hết năm 2013 tỉ lệ số dân nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh là 91%, tỉ lệ dân số nông thôn được cấp nước sạch theo QC02:2009/BYT là 34%.

Nước sạch

Là tài nguyên quý giá nhưng không phải là vô tận. Nước là cần thiết cho sự sống nhưng ngược lại cũng có thể gây ra những hiểm họa khôn lường cho con người khi nó bị biến đổi, ô nhiễm, bão lụt, hạn hán…

Các bệnh liên quan đến nước có thể chia thành những nhóm chính như sau

Bệnh lây lan qua nước uống

Những bệnh này xảy ra do ăn uống nước bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh. Nước là môi trường làm lây lan và gây ra các đại dịch bệnh đường ruột ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Những vi khuẩn gây bệnh đường ruột đặc biệt là nhóm Samonellla, phẩy khuẩn tả có thể tồn tại trong nước khá lâu. Người ta đã tìm thấy các vi khuẩn gây bệnh tả, thương hàn, phó thương hàn, lỵ… trong nước máy của thành phố có nguồn nước bị nhiễm bẩn.

Một số loại virut gây bệnh cho người phát triển trong bộ máy tiêu hóa của người và chúng sẽ bị thải ra một số lượng lớn trong phân và có thể có trong nước thải sinh hoạt và nước bị ô nhiễm. Các bệnh giun sán cũng liên quan tới nguồn nước như: sán lá gan, sán lá phổi, sán lá ruột…

Bệnh do tiếp xúc với nước

Những bệnh này có thể lây truyền qua tiếp xúc với các vi sinh vật gây bệnh trong nước như bệnh sán máng (Schistosomia). Có thể gặp ở những người bơi, lội dưới nước có loài ốc bị nhiễm những sinh vật gây bệnh này sinh sống. Các ấu trùng rời khỏi cơ thể ốc vào nước và sẵn sàng xuyên qua da người và gây viêm da.

Các bệnh do muỗi truyền

Các bệnh trong nhóm này phải kể đến là bệnh sốt rét, sốt dengue, sốt xuất huyết dengue, bệnh giun chỉ… Côn trùng truyền bệnh trung gian là các loại muỗi, trong đó nước đóng vai trò là môi trường sống của các vi sinh vật truyền bệnh.

Một số nơi do thiếu nước sử dụng và do tập quán người dân thường dự trữ nước trong bể chứa nước mưa, chum, thùng, vại… đặc biệt ở khu vực nông thôn. Trên mặt đất có nhiều vũng nước đọng, nhiều vật chứa nước lâu ngày, tất cả là những ổ sinh sản và phát triển của nhiều loại muỗi, trong đó có nhiều loại gây bệnh nguy hiểm cho con người có thể kể đến: muỗi gây bệnh sốt rét Anophen minimus, Anophen dirus, Anophen sundaicus, Anophen subpictus; muỗi gây bệnh giun chỉ Tulex pipiens; muỗi gây bệnh sốt xuất huyết
Aedes aegypti và Aedes albopictus.

Các bệnh do thiếu nước hoặc sử dụng nước không sạch trong vệ sinh cá nhân

Các bệnh về ngoài da, mắt, phụ khoa như: Hắc lào, nấm, lang ben, ghẻ, chàm, đau mắt đỏ, đau mắt hột, viêm kết mạc, viêm màng tiếp hợp, viêm âm đạo… Chúng có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành mà nguyên nhân chính là do thiếu nước hoặc phải dùng nước không sạch để sử dụng trong vệ sinh cá nhân, trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Ước tính trên thế giới có khoảng 6 triệu người bị mù do đau mắt hột và khoảng 500 triệu người có nguy cơ bị mắc bệnh này.

Bệnh do các vi yếu tố hóa học và các chất độc khác có trong nước

Bệnh do các các yếu tố vi lượng hoặc các chất độc khác có trong nước gây ra cho người là do thừa hoặc thiếu chúng trong nước. Trong nhóm này có thể kể đến các bệnh như: bệnh bướu cổ, bệnh về răng do thiếu hoặc thừa flo, bệnh do Nitrit và Nitrat cao trong nước, bệnh do nhiễm độc bởi các chất độc hóa học gây ra như chì (Pb), đồng (Cu), Asen (thạch tín)…

Khuyến cáo phòng bệnh liên quan đến nước

Cải thiện việc cung cấp nước cả về số lượng và chất lượng.

Xử lý tốt nguồn nước ăn uống và sinh hoạt trước khi sử dụng.

Thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn sống các loại thủy sản nuôi trồng trong nước.

Thu gom và xử lý phân người và động vật hợp vệ sinh tránh gây ô nhiễm đất và nguồn nước.

Tẩy giun, sán định kỳ theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Tiêu diệt muỗi, diệt ấu trùng, lăng quăng. Làm mất nơi muỗi đẻ, nơi muỗi sinh sản, chủ động diệt muỗi bằng phun thuốc, hương diệt muỗi, ngủ màn chống muỗi đốt…

Kiểm tra, xét nghiệm nguồn nước đang sử dụng tại cơ quan có chức năng và thẩm quyền để đánh giá chất lượng nước.

Email us

Zalo

0918945839