Huong dan kiem tra, ve sinh chat luong nuoc cua co so cung cap nuoc
Hướng dẫn kiểm tra, vệ sinh chất lượng nước của cơ sở cung cấp nước

Hướng dẫn kiểm tra, vệ sinh chất lượng nước của cơ sở cung cấp nước

Mục 1. NỘI KIỂM VỆ SINH, CHẤT LƯỢNG NƯỚC

Điều 1. Kiểm tra vệ sinh nơi khai thác nước nguyên liệu

1. Đối với cơ sở cung cấp nước sử dụng nguồn nước ngầm:

a) Phạm vi kiểm tra: trong bán kính tối thiểu 25m tính từ điểm khai thác nước ngầm nguyên liệu.

b) Nội dung kiểm tra:

– Tường rào bảo vệ xung quanh.

– Các công trình xây dựng (kể cả công trình của cơ sở cung cấp nước).

– Hệ thống đường ống nước, cống, kênh mương, rãnh nước thải chạy qua hoặc đổ vào khu vực bảo vệ nguồn nước.

– Các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, khai thác tài nguyên khoáng sản.

– Chất thải, rác thải, nước thải từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.

c) Phương pháp đánh giá: theo Phiếu chấm điểm nguy cơ quy định tại Mẫu số 01 – Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

Huong dan kiem tra, ve sinh chat luong nuoc cua co so cung cap nuoc

2. Đối với cơ sở cung cấp nước sử dụng nguồn nước sông:

a) Phạm vi kiểm tra: trong bán kính tối thiểu 200m từ điểm lấy nước lên thượng nguồn, tối thiểu 100m từ điểm lấy nước xuống hạ nguồn và 100m về phía hai bên bờ sông tính từ mực nước cao nhất của sông.

b) Nội dung kiểm tra:

– Biển báo giới hạn khu vực bảo vệ nguồn nước.

– Bộ phận chắn rác tại điểm thu nước.

– Bến đò, bến phà hoặc phương tiện thủy nội địa neo đậu.

– Các công trình xây dựng (kể cả công trình của cơ sở cung cấp nước).

– Các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, khai thác tài nguyên khoáng sản, khai thác dịch vụ, nuôi trồng thuỷ sản.

– Hệ thống đường ống nước, cống, kênh mương, rãnh nước thải chạy qua hoặc đổ vào khu vực bảo vệ nguồn nước.

– Chất thải, rác thải, nước thải từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.

c) Phương pháp đánh giá: theo Phiếu chấm điểm nguy cơ quy định tại Mẫu số 02 – Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Đối với cơ sở cung cấp nước sử dụng nguồn nước từ hồ chứa nước:

a) Phạm vi kiểm tra: trong bán kính tối thiểu 300m từ điểm lấy nước;

b) Nội dung kiểm tra: theo quy định của Điểm b Khoản 2 Điều 4 Thông tư này;

c) Phương pháp đánh giá: theo Phiếu chấm điểm nguy cơ quy định tại Mẫu số 03 – Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 2. Kiểm tra vệ sinh ngoại cảnh của cơ sở cung cấp nước

1. Phạm vi kiểm tra: toàn bộ bên trong tường rào bảo vệ của cơ sở cung cấp nước.

2. Nội dung kiểm tra:

a) Hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải;

b) Các công trình vệ sinh: tình trạng hợp vệ sinh của các nhà tiêu (nhà vệ sinh).

3. Phương pháp đánh giá: điền thông tin theo Phiếu nội kiểm vệ sinh, chất lượng nước quy định tại Mẫu số 01 – Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 3. Kiểm tra vệ sinh hệ thống sản xuất nước của cơ sở cung cấp nước

1. Phạm vi kiểm tra: toàn bộ hệ thống sản xuất nước.

2. Nội dung kiểm tra:

a) Các bể, bồn, hồ chứa nước nguyên liệu, nước thành phẩm;

b) Các trạm bơm nước;

c) Hệ thống khử sắt, mangan;

d) Bể keo tụ, bể lắng, bể lọc và bể chứa sau xử lý;

đ) Hệ thống khử trùng;

e) Kho hoá chất để xử lý nước: loại, tên, nguồn gốc, giấy chứng nhận hoặc văn bản xác nhận hóa chất được dùng để khử khuẩn nước ăn uống, nước sinh hoạt (đối với hóa chất khử khuẩn) do cơ quan có thẩm quyền cấp; tình hình bảo quản; hạn sử dụng; cách sử dụng; số lượng dự trữ; sổ theo dõi tình hình sử dụng hóa chất;

g) Bộ phận pha chế hoá chất xử lý;

h) Trang bị bảo hộ lao động, cá nhân theo quy định của pháp luật về an toàn lao động.

3. Phương pháp đánh giá: điền thông tin theo Phiếu nội kiểm vệ sinh, chất lượng nước quy định tại Mẫu số 01 – Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 4. Xét nghiệm chất lượng nước thành phẩm

1. Các chỉ tiêu xét nghiệm:

a) Đối với cơ sở cung cấp nước có công suất thiết kế từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên: xét nghiệm tất cả các chỉ tiêu thuộc các mức độ A, B, C theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;

b) Đối với cơ sở cung cấp nước có công suất thiết kế dưới 1.000 m3/ngày đêm: xét nghiệm tất cả các chỉ tiêu thuộc các mức độ A, B theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

2. Việc xét nghiệm chất lượng nước phải được thực hiện tại các phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025: 2005 về các chỉ tiêu chất lượng nước được xét nghiệm.

Điều 5. Tần suất thực hiện nội kiểm

1. Kiểm tra định kỳ:

a) Kiểm tra hàng ngày vệ sinh nơi khai thác nước nguyên liệu, vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh hệ thống sản xuất nước theo Phiếu nội kiểm vệ sinh, chất lượng nước quy định tại Mẫu số 01 – Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Tần suất xét nghiệm chất lượng nước thành phẩm:

– Đối với cơ sở cung cấp nước có công suất thiết kế từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên: xét nghiệm ít nhất 01 lần/01 tuần các chỉ tiêu thuộc mức độ A; xét nghiệm ít nhất 01 lần/06 tháng các chỉ tiêu thuộc mức độ B; xét nghiệm ít nhất 01 lần/02 năm các chỉ tiêu thuộc mức độ C.

– Đối với cơ sở cung cấp nước có công suất thiết kế dưới 1.000 m3/ngày đêm: xét nghiệm ít nhất 01 lần/03 tháng các chỉ tiêu thuộc mức độ A; xét nghiệm ít nhất 01 lần/06 tháng các chỉ tiêu thuộc mức độ B.

2. Kiểm tra đột xuất: khi có sự cố về môi trường; khi kết quả kiểm tra vệ sinh nguồn nước cho thấy nguồn nước có nguy cơ bị ô nhiễm; khi xuất hiện rủi ro trong quá trình sản xuất có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước thành phẩm hoặc khi có các yêu cầu đặc biệt khác.

Điều 6. Trường hợp không bảo đảm vệ sinh, chất lượng nước

Trường hợp vệ sinh, chất lượng nước không bảo đảm theo quy định, cơ sở cung cấp nước phải thực hiện các hoạt động sau đây:

1. Khắc phục ngay các nguyên nhân gây nên việc vệ sinh, chất lượng nước không bảo đảm và báo cáo kết quả khắc phục cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 3 Thông tư này.

2. Trường hợp không khắc phục được phải báo cáo ngay cho cơ quan chủ quản, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chính quyền địa phương nơi đặt cơ sở cung cấp nước và Sở Y tế để có biện pháp giải quyết hoặc xem xét dừng việc sản xuất và cung cấp nước.

Điều 7. Hồ sơ theo dõi, quản lý vệ sinh, chất lượng nước

Cơ sở cung cấp nước phải lập và quản lý hồ sơ theo dõi vệ sinh, chất lượng nước gồm:

1. Kết quả kiểm tra, xét nghiệm chất lượng nước nguyên liệu và nước thành phẩm của cơ sở cung cấp nước trước khi đưa vào vận hành sản xuất.

2. Kết quả kiểm tra vệ sinh định kỳ quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 8 Thông tư này; kết quả kiểm tra vệ sinh đột xuất.

3. Kết quả xét nghiệm chất lượng nước nguyên liệu định kỳ, đột xuất.

4. Kết quả xét nghiệm chất lượng nước thành phẩm định kỳ, đột xuất.

5. Sổ theo dõi việc lưu mẫu nước thành phẩm (mỗi lần lấy mẫu ghi cụ thể số lượng mẫu lưu; vị trí lấy mẫu; thể tích mẫu; phương pháp bảo quản mẫu; thời gian lấy và lưu mẫu; người lấy mẫu lưu).

6. Báo cáo, tài liệu về thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn.

Mục 2. NGOẠI KIỂM VỆ SINH, CHẤT LƯỢNG NƯỚC

Điều 8. Kiểm tra vệ sinh chung

1. Nội dung kiểm tra: bao gồm kiểm tra vệ sinh nơi khai thác nước nguyên liệu, vệ sinh ngoại cảnh và vệ sinh hệ thống sản xuất nước thực hiện theo quy định tại các điều 4, 5 và 6 Thông tư này.

2. Phương pháp đánh giá: điền thông tin theo Phiếu ngoại kiểm vệ sinh, chất lượng nước quy định tại Mẫu số 02 – Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 9. Kiểm tra việc thực hiện chế độ nội kiểm

1. Nội dung kiểm tra:

a) Hồ sơ theo dõi, quản lý vệ sinh, chất lượng nước;

b) Tần suất thực hiện chế độ nội kiểm;

c) Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo vệ sinh, chất lượng nước.

2. Phương pháp đánh giá: điền thông tin theo Phiếu ngoại kiểm vệ sinh, chất lượng nước quy định tại Mẫu số 02 – Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 10. Xét nghiệm chất lượng nước thành phẩm

1. Các chỉ tiêu xét nghiệm: theo Khoản 1 Điều 7 Thông tư này.

2. Việc xét nghiệm chất lượng nước được thực hiện tại các phòng thí nghiệm được công nhận đạt chuẩn ISO/IEC 17025: 2005 về các chỉ tiêu chất lượng nước được xét nghiệm.

Điều 11. Tần suất thực hiện ngoại kiểm

1. Kiểm tra định kỳ:

a) Ít nhất 01 lần/01 năm kiểm tra vệ sinh chung và việc thực hiện chế độ nội kiểm của cơ sở cung cấp nước;

b) Ít nhất 01 lần/01 năm xét nghiệm chất lượng nước thành phẩm đối với các chỉ tiêu thuộc các mức độ A, B; ít nhất 01 lần/02 năm xét nghiệm chất lượng nước thành phẩm đối với các chỉ tiêu thuộc mức độ C.

2. Kiểm tra đột xuất: khi có nghi ngờ về chất lượng nước thành phẩm qua theo dõi báo cáo tình hình vệ sinh, chất lượng nước định kỳ, đột xuất của cơ sở cung cấp nước; khi xảy ra sự cố môi trường có thể ảnh hưởng đến vệ sinh, chất lượng nguồn nước; khi kết quả kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước hoặc điều tra dịch tễ cho thấy nguồn nước có nguy cơ bị ô nhiễm; khi có các phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về chất lượng nước hoặc khi có các yêu cầu đặc biệt khác.

Điều 12. Trường hợp không bảo đảm vệ sinh, chất lượng nước

Trường hợp kết quả ngoại kiểm, theo dõi, giám sát cho thấy vệ sinh, chất lượng nước của cơ sở cung cấp nước không bảo đảm theo quy định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các việc sau đây:

1. Yêu cầu cơ sở cung cấp nước phải khắc phục ngay các nguyên nhân gây nên việc vệ sinh, chất lượng nước không bảo đảm và báo cáo kết quả khắc phục.

2. Theo dõi việc khắc phục của cơ sở cung cấp nước. Trường hợp không khắc phục được cần báo cáo hoặc thông báo cho chính quyền địa phương nơi đặt cơ sở cung cấp nước để có biện pháp giải quyết hoặc xem xét dừng việc sản xuất và cung cấp nước.

Điều 13. Số lượng và vị trí lấy mẫu nước xét nghiệm (áp dụng cho nội kiểm và ngoại kiểm)

1. Mỗi lần xét nghiệm lấy ít nhất 03 mẫu nước thành phẩm của cơ sở cung cấp nước.

2. Vị trí lấy mẫu: 01 mẫu tại bể chứa sau xử lý tại cơ sở cung cấp nước trước khi đưa vào mạng lưới đường ống phân phối, 01 mẫu tại vòi sử dụng ngẫu nhiên trên mạng lưới đường ống phân phối (bao gồm cả các phương tiện phân phối nước như xe bồn hoặc ghe chở nước), 01 mẫu tại vòi sử dụng ngẫu nhiên cuối mạng lưới đường ống phân phối.

3. Lấy thêm 01 mẫu bổ sung trong mạng lưới đường ống phân phối đối với cơ sở cung cấp nước tập trung cho từ 100.000 dân trở lên và cứ thêm 100.000 dân sẽ lấy thêm 01 mẫu để xét nghiệm.

4. Tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương (dân số, hệ thống cung cấp nước, điều kiện kinh tế, năng lực xét nghiệm, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, tình hình dịch bệnh lưu hành) có thể tăng số lượng mẫu nước lấy để xét nghiệm.

Email us

Zalo

0918945839