>> Lập đánh giá tác động môi trường
1. Phương pháp phân tích
STT | Phương pháp lấy mẫu đất | Số hiệu tiêu chuẩn |
1 | Chất lượng đất – Từ vựng – Phần 2: Các thuật ngữ và định nghĩa liên quan đến lấy mẫu | • TCVN 6495-2:2001 (ISO 11074-2:1998) |
2 | Chất lượng đất – Lấy mẫu – Yêu cầu chung | • TCVN 5297:1995 |
3 | Chất lượng đất – Lấy mẫu Phần 2: Hướng dẫn kỹ thuật lấy mẫu | • TCVN 7538-2:2005 (ISO 10381-2:2002) |
4 | Chất lượng đất – Phương pháp đơn giản để mô tả đất | • TCVN 6857:2001 (ISO 11259:1998) |
5 | Đất trồng trọt. Phương pháp lấy mẫu | • TCVN 4046:1985 |
2. Một số đặc điểm cần lưu ý khi phân tích mẫu đất
Ở một điểm quan trắc: tiến hành lấy 01 mẫu chính, 04 mẫu phụ ở các địa điểm xung quanh điểm quan trắc (trên cùng một thửa ruộng, cánh đồng hay vùng nghiên cứu được xem là đồng nhất):
Mẫu chính: lấy theo phẫu diện ở 2 tầng đất (tùy theo hình thái của phẫu diện đất, có thể sâu đến 30 cm đối với tầng đất mặt và từ 30-60 cm đối với tầng đất liền kề) của 05 mẫu đơn trộn đều;
Mẫu phụ: lấy tầng mặt có thể sâu đến 30 cm của mẫu đơn trộn đều.
Khối lượng mẫu đất cần lấy ít nhất khoảng 500g đất để phân tích lý hóa học. Mẫu làm vật liệu đối chứng hoặc để lưu giữ trong ngân hàng mẫu đất phải có khối lượng lớn hơn 2000 g;
Khi lấy mẫu đất chứa nhiều vật liệu cỡ lớn (sỏi, xác hữu cơ, …) do các điều kiện đất không đồng nhất hoặc hạt quá to, các vật liệu loại bỏ phải được mô tả, cân hoặc ước lượng, ghi lại để cho phép đánh giá kết quả phân tích có liên quan tới kết cấu của mẫu gốc.
Đối với phẫu diện đất: việc lấy mẫu đất và miêu tả theo phẫu diện (bao gồm bản tả và xác định tên đất) bắt buộc phải do chuyên gia ngành khoa học đất thực hiện, độ sâu của tầng lấy mẫu thay đổi tùy thuộc vào loại đất.
Đối với vùng đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, ô nhiễm kim loại nặng phải lấy mẫu đất theo chiều sâu phẫu diện để đánh giá và so sánh. Căn cứ theo mục tiêu quan trắc, chiều sâu lấy mẫu theo phẫu diện dao động từ 0-150 cm. Số lượng tầng lấy mẫu phụ thuộc vào sự phân tầng cụ thể trong suốt phẫu diện, có thể lấy đến 4-5 tầng trong một phẫu diện.
Đối với vùng đất bạc màu, lấy mẫu ở độ sâu từ 0-15cm ở tầng mặt và 15-40cm ở tầng 2 căn cứ vào từng điểm quan trắc.
3. Đo tại hiện trường
Đo tại hiện trường: Eh hoặc ORP, EC, pH, độ mặn… bắt buộc phải đo trực tiếp ngoài hiện trường tuỳ theo yêu cầu của từng mục tiêu quan trắc, quy trình đo giống như đo trong phòng thí nghiệm.
Lấy mẫu để đo tại hiện trường: tương tự như lấy mẫu để phân tích trong phòng thí nghiệm, theo các tiêu chuẩn hiện hành quy định tại Bảng 1.
Công tác bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng tại hiện trường thực hiện theo các văn bản, quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng trong quan trắc môi trường.
4. Bảo quản và vận chuyển mẫu đất
Mẫu đất được bảo quản trong dụng cụ chứa mẫu chuyên dụng hoặc trong túi nilon sạch, nhãn mẫu phải đựng trong túi nilon để đảm bảo không bị nhòe do nước thấm vào, sau đó buộc chặt bằng dây cao su, xếp trong thùng chứa mẫu, vận chuyển về phòng thí nghiệm bằng các phương tiện phù hợp.
Riêng đối với các thông số sinh học cần phân tích mẫu tươi, việc bảo quản phải theo quy trình riêng. Mẫu đất phải bảo quản lạnh ở nhiệt độ 2-5 độ C và tránh tiếp xúc với không khí. Mẫu đất sau khi lấy cần được chuyển đến phòng thí nghiệm và phân tích càng sớm càng tốt.