Phan tich moi truong sinh thai va vai tro con nguoi doi voi moi truong
Phân tích môi trường sinh thái và vai trò con người đối với môi trường

Phân tích môi trường sinh thái và vai trò con người đối với môi trường

>> Phân tích nước

>> Quan trắc môi trường

Môi trường sinh thái là gì?

Môi trường sinh thái là tập hợp các sinh vật, cùng với các mối quan hệ khác nhau giữa các sinh vật đó và các mối tác động tương hỗ giữa chúng với môi trường, với các yếu tố vô sinh, tạo thành một hệ thống sinh thái-ecosystem. Hệ sinh thái là hệ chức năng gồm có quần xã, các cơ thể sống và môi trường của nó dưới tác động của năng lượng mặt trời.

Môi trường sinh thái là một hệ thống tác động qua lại giữa thực vật, động vật và con người với môi trường vật lý bao chung quanh chúng thể hiện qua dòng năng lượng từ đó tạo nên chu trình vật chất.

Năm 1935, nhà sinh thái học người Anh, A. Tansley đề xuất khái niệm hệ sinh thái (ecosystem): “Sinh vật và thế giới vô sinh (không sống) ở xung quanh có quan hệ khăng khít với nhau và thường xuyên có tác động qua lại”.

Thuật ngữ hệ sinh thái có thể áp dụng cho những quy mô khác nhau như hệ sinh thái nhỏ (gốc một cây gỗ), hệ sinh thái tương đối nhỏ (một cái ao), hệ sinh thái vừa (một khu rừng), hệ sinh thái lớn (đại dương), hệ sinh thái khổng lồ (trái đất). Hệ sinh thái không nhất thiết phải là một khu vực rộng lớn, nhưng phải có quần xã sinh sống.

Quần thể là một nhóm cá thể của một loài, sống trong một khoảng không gian xác định, có nhiều đặc điểm đặc trưng cho cả nhóm, chứ không phải cho từng cá thể của nhóm (E.P. Odium, 1971). Hoặc quần thể là một nhóm cá thể của cùng một loài sống trong cùng một khu vực (Alexi Sharov, 1996).

Quần xã bao gồm cả quần xã của nhiều loài khác nhau, loài có vai trò quyết định sự tiến hóa của quần xã là loài ưu thế sinh thái. Quần xã sinh vật là tập hợp các sinh vật thuộc các loài khác nhau cùng sinh sống trên một khu vực nhất định. Khu vực sinh sống của quần xã được gọi là sinh cảnh. Như vậy, sinh cảnh là môi trường vô sinh.

Trên thực tế để dễ nhận biết và phân biệt, người ta dùng vật chỉ thị là thảm thực vật, vì yếu tố thực vật thường chiếm ưu thế trong một sinh cảnh và có ảnh hưởng rõ rệt lên sinh cảnh.

Để khảo sát một hệ sinh thái cần xem hai mặt: Cấu trúc của hệ sinh thái (các vấn đề về số loài, số lượng các nhóm sinh vật và các đặc tính của môi trường); Chức năng của hệ sinh thái (các vấn đề liên quan đến tốc độ của quá trình chuyển hóa năng lượng và trao đổi chất).

Phan tich moi truong sinh thai va vai tro con nguoi doi voi moi truong

Thành phần của môi trường sinh thái tự nhiên

Hệ sinh thái hoàn chỉnh bao gồm các thành phần chủ yếu sau:

Các yếu tố vật lý (để tạo nguồn năng lượng): ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất, dòng chảy…

Các yếu tố vô cơ: gồm những nguyên tố và hợp chất hóa học cần thiết cho tổng hợp chất sống. Các chất vô cơ có thể ở dạng khí (O2, CO2, N2), thể lỏng (nước), dạng chất khoáng (Ca, PO43-, Fe …) tham gia vào chu trình tuần hoàn vật chất.

Các chất hữu cơ (các chất mùn, acid amin, protein, lipid, glucid): đây là các chất có đóng vai trò làm cầu nối giữa thành phần vô sinh và hữu sinh, chúng là sản phẩm của quá trình trao đổi vật chất giữa 2 thành phần vô sinh và hữu sinh của môi trường.

Vai trò con người đối với môi trường

Nhiều hoạt động của con người tác động tới môi trường tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường và làm suy thoái môi trường. Tuy nhiên, với sự hiểu biết ngày càng tăng, con người đã và đang nỗ lực khắc phục tình trạng đó, đồng thời bảo vệ và cải tạo môi trường tự nhiên thông qua các hoạt động sau:

  • Hạn chế phát triển dân số quá nhanh
  • Sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên
  • Bảo vệ các loài sinh vật
  • Phục hồi và trồng rừng mới
  • Kiểm soát và giảm thiểu các nguồn chất thải gây ô nhiễm
  • Hoạt động khoa học của con người góp phần cải tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao

Email us

Zalo

0918945839