Thông tin cơ bản về nước thải nuôi trồng thủy sản
Nước thải nuôi trồng thủy sản là nguồn nước thải sau khi thu hoạch các sản phẩm thải ra nguồn tiếp nhận. Theo đó, nước thải nuôi trồng thủy sản chứa thành phần các chất hữu cơ (BOD5, COD), các chất dinh dưỡng (phospho, nitơ), chất rắn lơ lững (TSS) và nhóm các vi sinh coliforms…có thể gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh cần phải được xử lý.
Ngoài ra, bùn thải trong quá trình trong NTTS (tôm công nghiệp, tôm thâm canh, cá tra công nghiệp, cá trê…) chứa các nguồn thức ăn dư thừa bị phân hủy, các hóa chất và thuốc kháng sinh, chất lắng đọng phù sa, với chiều dày từ 0,1 – 0,3m… thải ra trong quá trình vệ sinh và nạo vét ao nuôi tác động xấu đến môi trường xung quanh, ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản nuôi trồng.
Thực trạng quản lý nước thải nuôi trồng thủy sản
Nước thải nuôi trồng thủy sản được xem như là một hệ thống canh tác nông nghiệp, Bộ NN&PTNT có Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 02-19:2014/BNNPTNT ngày 29/7/2014 về cơ sở nuôi tôm nước lợ – Điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, BVMT và an toàn thực phẩm: Đối với chất lượng nước cấp vào ao nuôi và nước ao nuôi tôm sú, tôm chân trắng (ô xy hòa tan (DO) ≥3,5mg/l; pH từ 7-9; độ mặn = 5-35‰; độ trong = 20-50cm; NH3<0,3mg/l; H2S< 0,05mg/l; nhiệt độ 18-330C. QCVN 02-20:2014/BNNPTNT ngày 29/7/2014 về cơ sở nuôi cá tra trong ao – Điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, BVMT và an toàn thực phẩm: Đối với chất lượng nước cấp vào ao nuôi cá tra (ô xy hòa tan (DO) ≥ 2,0mg/l; pH từ 7-9; độ kiềm = 60-180mg CaCO3/L;; NH3<0,3mg/l; H2S< 0,05mg/l; Nhiệt độ 25-320C. Đối với chất lượng nước thải từ ao nuôi trước khi thải ra môi trường bên ngoài (pH 5,5-9; BOD5(200C) ≤ 50mg/l; COD ≤ 150mg/l; chất rắn lơ lững ≤ 100mg/l và coliform ≤ 5.000MPN/100ml (theo Thông tư số 22/2014/TT-BNNPTNT ngày 29/7/2014)… cho thấy sự phân biệt giữa nước NTTS (chất lượng nước hệ canh tác nuôi trồng) và nước thải NTTS thải ra môi trường tiếp nhận (tuy nhiên các thông số quan trắc, giám sát còn rất hạn chế đối với chất lượng nước thải NTTS…).
Tuy nhiên, hiện nay nước thải nuôi trồng thủy sản được các cơ quan quản lý nhà nước về BVMT (Trung ương và địa phương) áp dụng theo Quy chuẩn nước thải công nghiệp QCVN 40:2011/BTNMT (cho các cơ sở sản xuất công nghiệp…) và các bất cập đã diễn ra trong thực tế đời sống, đang đòi hỏi cách tiếp cận có cơ sở khoa học và thực tiễn để áp dụng.
Vì QCVN 40:2011/BTNMT được xây dựng và ban hành để áp dụng cho nước thải của các nhà máy sản xuất công nghiệp nên có 33 thông số ô nhiễm cần kiểm soát (Nhiệt độ; màu; pH; BOD5(200C); COD; chất răn lơ lửng; asen; thủy ngân; chì; cadimi; crom (VI); crom (III); đồng; kẽm; niken; mangan; sắt; tổng xianua; tổng phenol; tổng dầu mỡ khoáng; sunfua; amoni (tính theo N); tổng nitơ; tổng phốt pho (tính theo P); clorua (không áp dụng khi xả vào nguồn nước mặn, nước lợ); clo dư; tổng hóa chất bảo vệ thực vật Cll hữu cơ; tổng hóa chất bảo vệ thực vật phốt pho hữu cơ; tổng PCB; coliform; tổng hoạt độ phóng xạ α; tổng hoạt độ phóng xạ ß)…gồm quá nhiều thông số và quá phức tạp khi lựa chọn áp dụng đối với nước thải NTTS của các cấp quản lý môi trường địa phương (tỉnh/TP) trong phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư. Đặc biệt tạo ra sự khác biệt rất lớn khi lựa chọn các thông số quan trắc trong công tác quản lý môi trường của các địa phương, giữa các tỉnh/TP trong cùng lưu vực sông (thậm chí trên cùng đoạn sông (tả ngạn, hữu ngạn) ranh giới các tỉnh. Trong khi đó nuôi trồng thuỷ sản ở nước ta, đặc biệt ở ĐBSCL đang ngày càng trở thành là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng lại có các tác động môi trường rất đặc thù (sông rạch chằng chịt, dễ lan truyền ô nhiễm và dịch bệnh trong lưu vực sông, quy mô lớn, canh tác thâm canh cao…) đang rất cần được thống nhất quản lý về mặt môi trường để BVMT và hệ thống canh tác một cách bền vững…
Sự khác biệt rất lớn và khó khăn đối với các địa phương là việc quyết định lựa chọn các nhóm thông số kim loại nặng (Asen; thủy ngân; chì; cadimi; crom (VI); crom (III); đồng; kẽm; niken; mangan; sắt), nhóm thông số hóa chất (Tổng xianua; tổng phenol; tổng dầu mỡ khoáng; màu; tổng hóa chất bảo vệ thực vật Cll hữu cơ; tổng hóa chất bảo vệ thực vật phốt pho hữu cơ; tổng PCB…) và nhóm thông số phóng xạ (Tổng hoạt độ phóng xạ α; tổng hoạt độ phóng xạ ß)…từ QCVN 40:2011/BTNMT để áp dụng cho nước thải NTTS, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện và có thể gây tốn kém chi phí phân tích mẫu, nhưng lại không phục vụ thiết thực cho hoạt động sản xuất canh tác NTTScủa chủ doanh nghiệp và xã hội…
Điều đáng quan tâm hiện nay là các cơ quan quản lý môi trường địa phương chưa quản lý giám sát chặt chẽ được nguồn nước NTTS trong hệ canh tác (chất lượng nước của hệ thống canh tác NTTS) và nước thải (quản lý theo QCVN 40:2011/BTNMT) ra nguồn tiếp nhận. Đồng thời, chưa có hướng dẫn kỹ thuật chi tiết cho các doanh nghiệp thực hiện và ý thức tự giác thực hiện chưa cao…Ngoài ra, việc thống kê phân loại các loại nước thải NTTS (nuôi thủy sản bán thâm canh, thâm canh và công nghiệp…), nước nuôi thủy sản của hệ thống canh tác, chưa được tiến hành quản lý chất lượng và lưu lượng nguồn thải vào nguồn tiếp nhận chưa chặt chẽ, dẫn đến việc thu phí nước thải chưa đáp ứng theo quy định của nhà nước, gây thất thu cho ngân sách trong nhiều năm…Việc ban hành thu các loại phí, trong đó có phí nước thải NTTS phải được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh/thành phố ở địa phương thông qua, do đó cần cung cấp đầy đủ các cơ sở khoa học và thực tiễn về nước thải NTTS, để ban hành thu phí nước thải từ NTTS đảm bảo tính khả thi và hiệu quả xã hội…
Một số đề xuất nhằm hoàn thiện Quy chuẩn quốc gia về nước thải nuôi trồng thủy sản
Trong những năm gần đây lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã có bước phát triển nhanh chóng, trở thành ngành kinh tế động lực quan trọng phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương, thu hút vốn đầu tư tập trung, trọng điểm trong và ngoài nước cho phát triển nuôi trồng thủy sản, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở từng địa phương, nâng cao trình độ công nghệ và hiệu quả của sản xuất, nâng cao đời sống cho người lao động, mở rộng thị trường cho tiêu dùng và xuất khẩu trong quá trình hội nhập quốc tế… Tuy nhiên hệ thống canh tác, nuôi trồng thủy sản (nuôi bán thâm canh, thâm canh và công nghiệp…), đang đòi hỏi phải hoàn thiện công cụ quản lý môi trường hữu hiệu có cơ sở khoa học và thực tiễn, để phát triển bền vững ngành nuôi trong tương lai.
Việc sử dụng QCVN 40:2011/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp, làm quy chuẩn xả thải của ngành NTTS thời gian qua gây khó khăn trong quản lý chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, gây lãng phí, khó khăn cho doanh nghiệp và xã hội, không thu được phí nước thải…Do đó, các Bộ TN&MT, NN&PTNT, KH&CN, Tài chính… cần có sự phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu chuyên ngành về nước thải, bùn thải và giải pháp xử lý, thu phí thích hợp đối với ngành NTTS…
Cần ban hành kịp thời Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải NTTS (QCVN của Bộ TN&MT), để thay thế quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp, đang áp dụng hiện nay (gây nhiều tranh cãi, khó khăn) cho ngành NTTS, đảm bảo tính khả thi khoa học và thực tiễn… Mặt khác, cần bổ sung nghiên cứu và ban hành hướng dẫn kỹ thuật về xử lý nước thải, bùn thải trong canh tác NTTS (đặc biệt đối với nuôi bán thâm canh, thâm canh và công nghiệp…) đáp ứng yêu cầu BVMT theo quy định của Luật BVMT.