GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH, DỊCH VỤ; ĐÔ THỊ VÀ NÔNG THÔN; TRONG MỘT SỐ LĨNH VỰC
1. Anh N V Tuấn ở thành phố K hỏi: xin cho biết pháp luật quy định như thế nào về bảo vệ môi trường đối với khu kinh tế?
Điều 50 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định bảo vệ môi trường khu kinh tế, như sau:
1. Khu kinh tế phải có hạ tầng bảo vệ môi trường bao gồm:
a) Hệ thống thu gom, lưu giữ chất thải rắn;
b) Hệ thống thu gom, thoát nước mưa;
c) Hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với trường hợp khu kinh tế có hệ thống xử lý nước thải tập trung phải quan trắc tự động, liên tục theo quy định của Luật này;
d) Diện tích cây xanh bảo đảm tỷ lệ theo quy định của pháp luật về xây dựng.
2. Ban quản lý khu kinh tế phải có bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường, có nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp với công việc được đảm nhiệm.
3. Ban quản lý khu kinh tế có trách nhiệm sau đây:
a) Kiểm tra, giám sát việc đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường các khu chức năng sản xuất công nghiệp trong khu kinh tế theo quy định của pháp luật;
b) Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, thanh tra về bảo vệ môi trường và thực hiện công tác bảo vệ môi trường khác trong khu kinh tế theo quy định của pháp luật;
c) Tổ chức kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp trong khu kinh tế theo kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;
d) Phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật;
đ) Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền theo quy định của pháp luật;
e) Báo cáo tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường của khu kinh tế theo quy định của pháp luật;
g) Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, việc bảo vệ môi trường khu kinh tế đã được quy định cụ thể như trên.
2. Chị Lý Thu T ở phường A, thành phố M hỏi: tôi đang chuẩn bị đầu tư xây dựng khu resort tại huyện PL, theo yêu cầu cấp phép phải đảm bảo hạ tầng bảo vệ môi trường, vậy xin hỏi yêu cầu hạ tầng bảo vệ môi trường kinh doanh resort được pháp luật quy định như thế nào?
Khoản 1 Điều 51 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung phải có hạ tầng bảo vệ môi trường bao gồm:
a) Hệ thống thu gom, thoát nước mưa; hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;
b) Công trình, thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải theo quy định của pháp luật;
c) Hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định của Luật này;
d) Diện tích cây xanh bảo đảm tỷ lệ theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Như vậy, hạ tầng bảo vệ môi trường dự án xây dựng resort của chị phải đảm bảo yêu cầu nêu trên.
3. Ông Trần Viết M ở phường M, thành phố S hỏi: hiện nay tôi đang đầu tư xây dựng khu kinh doanh giết mổ gia súc tập trung tại huyện PV, xin cho biết pháp luật quy định trách nhiệm của chủ đầu tư về thực hiện bảo vệ môi trường tại khu kinh doanh của tôi như thế nào?
Khoản 4 Điều 51 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung có trách nhiệm sau đây:
a) Đáp ứng yêu cầu quy định khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung phải có hạ tầng bảo vệ môi trường bao gồm:
– Hệ thống thu gom, thoát nước mưa; hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;
– Công trình, thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải theo quy định của pháp luật;
– Hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định của Luật này;
– Diện tích cây xanh bảo đảm tỷ lệ theo quy định của pháp luật về xây dựng.
b) Bố trí khu vực chức năng, các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với yêu cầu về bảo vệ môi trường;
c) Đầu tư hệ thống thu gom, thoát nước mưa riêng biệt với hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung;
d) Thu gom, đấu nối nước thải của các cơ sở trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung vào hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung;
đ) Yêu cầu cơ sở đang xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa phải chấm dứt việc xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành;
e) Bố trí nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp với công việc được đảm nhiệm;
g) Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường; phối hợp tổ chức kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với cơ sở trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung theo quy định của pháp luật;
h) Tổ chức kiểm tra việc thực hiện cam kết về bảo vệ môi trường đối với chủ dự án đầu tư, cơ sở khi đăng ký đầu tư vào khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung;
i) Phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật;
k) Ban hành quy chế về bảo vệ môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung phù hợp yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
i) Thực hiện quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật;
m) Lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung gửi cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh, cơ quan cấp giấy phép môi trường và Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định của pháp luật;
n) Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trách nhiệm của ông Trần Viết M về bảo vệ môi trường với tư cách là chủ đầu tư khu sản xuất kinh doanh giết mổ gia súc tập trung được quy định cụ thể như trên.
4. Anh Trần Văn L là Giám đốc Công ty FLV hỏi: Doanh nghiệp chúng tôi đang chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp X tại tỉnh H, tôi muốn biết trách nhiệm của Doanh nghiệp chúng tôi trong bảo vệ môi trường Khu công nghiệp X quy định như thế nào?
Khoản 3 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp có trách nhiệm sau đây:
a) Đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường cụm công nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều này;
c) Không tiếp nhận thêm hoặc nâng công suất dự án đầu tư có phát sinh nước thải trong cụm công nghiệp khi chưa có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung;
d) Thu gom, đấu nối nước thải của các cơ sở trong cụm công nghiệp vào hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung;
đ) Yêu cầu cơ sở đang xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa phải chấm dứt việc xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành;
e) Bố trí ít nhất một nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp với công việc được đảm nhiệm;
g) Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tổ chức thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường; phối hợp kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở trong cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật;
h) Tổ chức kiểm tra việc thực hiện cam kết về bảo vệ môi trường đối với chủ dự án đầu tư, cơ sở khi đăng ký đầu tư vào cụm công nghiệp;
i) Phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật;
k) Ban hành quy chế về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp phù hợp với yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
l) Lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường của cụm công nghiệp gửi cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh, cơ quan cấp giấy phép môi trường và Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật;
m) Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, khi xây dựng hạ tầng khu công nghiệp X, doanh nghiệp của ông phải có trách nhiệm quy định cụ thể như trên.
5. Anh Ngô Văn T hỏi: tôi mới đầu tư mở nhà hàng kinh doanh ăn uống tại thành phố H, để đảm bảo vệ sinh môi trường đúng quy định pháp luật, nhà hàng của tôi phải có trách nhiệm như thế nào?
Khoản 1 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm sau đây:
a) Thu gom, xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Trường hợp cơ sở hoạt động trong cụm công nghiệp, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung hoặc trong khu đô thị, khu dân cư tập trung đã có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung, chủ cơ sở phải thực hiện việc đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung theo quy định của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung đó, trừ trường hợp cơ sở đã được miễn trừ đấu nối nước thải trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;
b) Cơ sở hoạt động trong cụm công nghiệp, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung đang xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 51 và điểm đ khoản 3 Điều 52 của Luật này;
c) Thu gom, phân loại, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải theo quy định của Luật này;
d) Giảm thiểu, thu gom, xử lý bụi, khí thải, mùi khó chịu; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường; kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ nhiệt;
đ) Bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường;
e) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 111 và khoản 2 Điều 112 của Luật này phải bố trí nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp; phải có hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001 được chứng nhận;
g) Thực hiện quan trắc nước thải, bụi, khí thải theo quy định của Luật này.
Như vậy, anh T phải có trách nhiệm thực hiện quy định nêu trên để nhà hàng của anh hoạt động đảm bảo vệ sinh môi trường.
6. Anh Nguyễn Văn N hỏi: tôi đang xin cấp phép đầu tư nhà máy sản xuất nhựa tại thành phố H, tuy nhiên vẫn chưa được cơ quan chức năng đồng ý vì lý do địa điểm xây dựng nhà máy quá gần khu dân cư. Xin hỏi có quy định nào của pháp luật yêu cầu phải không gần khu dân cư đối với loại hình kinh doanh trên không?
Khoản 2 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng thuộc các trường hợp sau đây phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư:
a) Có chất dễ cháy, dễ nổ;
b) Có chất phóng xạ, chất thải phóng xạ hoặc thiết bị bức xạ;
c) Có chất độc hại đối với người và sinh vật;
d) Có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn tác động xấu đến sức khỏe con người;
đ) Có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước.
Như vậy, nhà máy sản xuất nhựa là có chất dễ cháy, nổ nên bắt buộc địa điểm xây dựng phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư.
7. Ông Phạm Văn V trú tại xã HT, thị xã HT hỏi: làng tôi có nghề nung gạch ngói từ xưa đến giờ, hiện nay nhiều lần chính quyền xã nhắc nhở về thực hiện bảo vệ môi trường làng chưa đảm bảo. Vậy cho tôi hỏi, làng nghề cổ truyền có phải đầu tư về bảo vệ môi trường không? Nếu có thì cần phải làm việc gì?
Khoản 1 Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định Làng nghề phải có phương án bảo vệ môi trường, có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường và hạ tầng bảo vệ môi trường. Hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề bao gồm:
a) Có hệ thống thu gom nước thải, nước mưa bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước của làng nghề;
b) Hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung (nếu có) bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;
c) Có điểm tập kết chất thải rắn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường; khu xử lý chất thải rắn (nếu có) bảo đảm quy định về quản lý chất thải rắn hoặc có phương án vận chuyển chất thải rắn đến khu xử lý chất thải rắn nằm ngoài địa bàn.
2. Cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề phải xây dựng và thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt, khí thải, nước thải và xử lý ô nhiễm tại chỗ; thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật.
3. Cơ sở, hộ gia đình sản xuất thuộc ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề có trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 2 Điều này và tuân thủ kế hoạch di dời, chuyển đổi ngành, nghề sản xuất theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, làng nghề của ông phải có phương án bảo vệ môi trường theo nội dung quy định nêu trên.
8. Anh Lý Văn N ở tại Khu chung cư VCL, thành phố H hỏi: hiện nay khu chung cư tôi ở tình trạng vệ sinh môi trường xuống cấp, tôi có hỏi Bản quản lý khu chung cư thì họ trả lời việc bảo vệ môi trường là do ý thức, trách nhiệm của mỗi hộ gia đình. Xin hỏi trả lời như vậy đúng hay sai, trách nhiệm của chủ đầu tư mà trực tiếp là ban quản lý được quy định như thế nào?
Điều 57 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định bảo vệ môi trường khu đô thị, khu dân cư, cụ thể:
1. Bảo vệ môi trường khu đô thị, khu dân cư tập trung phải thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, văn hóa, lịch sử và bảo đảm tỷ lệ không, gian xanh, yêu cầu về cảnh quan, vệ sinh môi trường theo quy hoạch.
2. Khu đô thị, khu dân cư tập trung phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường bao gồm:
a) Mạng lưới cấp, thoát nước, công trình vệ sinh nơi công cộng đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; hệ thống thu gom, xử lý nước thải đồng bộ, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt; trường hợp khu đô thị, khu dân cư tập trung đã hình thành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không bố trí được quỹ đất xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải thì thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 86 của Luật này;
b) Thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với lượng, loại chất thải phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trong khu đô thị, khu dân cư tập trung;
c) Có diện tích cây xanh, mặt nước, không gian thoáng trong khu đô thị, khu dân cư tập trung theo quy định của pháp luật.
3. Công viên, vườn hoa, cây xanh, mặt nước, đường giao thông công cộng, hệ sinh thái tự nhiên phải được bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan, bảo vệ môi trường và không được lấn chiếm, san lấp, sử dụng sai mục đích.
4. Khu dân cư, cụm dân cư phân tán phải có địa điểm lưu giữ tạm thời chất thải rắn sinh hoạt bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường trước khi vận chuyển đến địa điểm xử lý theo quy định.
5. Chủ dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư tập trung phải thực hiện yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.
Như vậy, Ban quản lý khu chung cư trả lời anh như trên là chưa đúng, trách nhiệm về đảm bảo môi trường được quy định rõ như nội dung đã nêu.
tham khảo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 : https://stp.thuathienhue.gov.vn/?gd=10&cn=351&tc=6516