Điều 1. Kiểm tra nguồn nước máng lần, nước tự chảy
1. Phạm vi kiểm tra: trong khoảng cách tối thiểu 100m từ nơi lấy nước lên thượng nguồn.
2. Nội dung kiểm tra:
a) Hoạt động sinh hoạt (ví dụ như tắm, giặt); sản xuất, khai thác tài nguyên, khoáng sản;
b) Hoạt động nuôi trồng thủy sản;
c) Gia súc, gia cầm hoặc các loại vật nuôi khác đến tắm, uống nước;
d) Chất thải, rác thải, nước thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt;
đ) Dụng cụ dẫn nước, chứa nước và dụng cụ lấy nước.
3. Phương pháp đánh giá: theo Phiếu kiểm tra vệ sinh nguồn nước hộ gia đình quy định tại Mẫu số 03 – Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 2. Kiểm tra nguồn nước giếng đào, giếng khoan
1. Phạm vi kiểm tra: trong bán kính tối thiểu 10m tính từ tâm giếng.
2. Nội dung kiểm tra:
a) Nắp đậy, thành giếng, cổ giếng, vách giếng (thân giếng), sân giếng;
b) Dụng cụ lấy nước;
c) Rãnh thoát nước thải và điểm đổ nước thải;
d) Nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi;
đ) Bãi rác và các nguồn gây ô nhiễm khác;
e) Dụng cụ bơm nước (nếu có).
3. Phương pháp đánh giá: theo Phiếu kiểm tra vệ sinh nguồn nước hộ gia đình quy định tại Mẫu số 03 – Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 3. Kiểm tra hệ thống thu hứng, lưu trữ nước mưa và các hình thức lưu trữ nước như bể, chum, vại, lu, khạp
1. Nội dung kiểm tra:
a) Bề mặt hứng nước và máng dẫn nước;
b) Hộp hoặc ga ngăn rác;
c) Nắp đậy bể; thành bể; tình trạng vệ sinh trong bể;
d) Dụng cụ lấy nước.
2. Phương pháp đánh giá: theo Phiếu kiểm tra vệ sinh nguồn nước hộ gia đình quy định tại Mẫu số 03 – Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 4. Kiểm tra khu vực xử lý nước (nếu có)
1. Nội dung kiểm tra: tình trạng vệ sinh khu vực xử lý nước hiện có của hộ gia đình như: giàn mưa, bể lọc, vật liệu trong bể lọc, dụng cụ chứa nước và lấy nước sau xử lý.
2. Phương pháp đánh giá: theo Phiếu kiểm tra vệ sinh nguồn nước hộ gia đình quy định tại Mẫu số 03 – Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 5. Kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước
1. Kiểm tra chất lượng nước trước khi đưa vào sử dụng: do hộ gia đình tự thực hiện.
2. Kiểm tra định kỳ và đột xuất:
a) Do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện;
b) Tùy theo tình hình thực tế của địa phương (dân số; điều kiện địa lý, kinh tế; nguồn nhân lực; năng lực xét nghiệm, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, tình hình dịch bệnh lưu hành), cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định số lượng hộ gia đình được kiểm tra trên địa bàn và tần suất kiểm tra.
3. Nội dung kiểm tra:
a) Kiểm tra vệ sinh nơi khai thác nước và vệ sinh khu vực xử lý nước;
b) Xét nghiệm chất lượng nước: lấy mẫu nước đầu vòi sử dụng hoặc vật dụng chứa, lưu trữ nước của hộ gia đình và xét nghiệm tại các phòng thí nghiệm được công nhận đạt chuẩn ISO/IEC 17025: 2005 về các chỉ tiêu chất lượng nước được xét nghiệm. Các chỉ tiêu xét nghiệm được thực hiện theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt do Bộ Y tế ban hành.
Điều 6. Trường hợp không bảo đảm vệ sinh, chất lượng nước
Trong trường hợp vệ sinh, chất lượng nước hộ gia đình không bảo đảm, yêu cầu hộ gia đình tiến hành ngay các biện pháp khắc phục sự cố. Trường hợp không khắc phục được, hộ gia đình phải dừng sử dụng nguồn nước không bảo đảm chất lượng và thông báo ngay với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gia đình đó cư trú để có biện pháp giải quyết.